Thứ Tư, 28/07/2010 - 15:54

Gian nan khôi phục nghề đúc đồng Ngũ Xã

Ngày nay, đến Ngũ Xã, ít ai biết rằng nơi đây từng là một làng nghề đúc đồng nức tiếng trong và ngoài nước. Tên tuổi của làng gắn liền với nghề đúc tiền và những tác phẩm như quả chuông và pho tượng Quan Thánh đền Trấn Vũ, pho tượng Adida chùa Thần Quang…

Vậy mà giờ đây làng nghề đúc đồng có tuổi thọ hơn 400 năm này (nay là phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội) đang có nguy cơ mai một dần. Nhiều người đã chuyển sang nghề khác hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống. Những xưởng đúc đồng xưa nay được thay bằng những nhà cao tầng mọc lên san sát. Cả làng tính ra, chỉ còn ba nhà còn theo nghề đúc đồng là ông Nguyễn Văn Ứng, bà Ngô Thị Đan và ông Đinh Văn Chồi.
 
Gian nan nghề đúc đồng
 
Một buổi sáng thứ bảy, tôi đến thăm nhà nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng, một trong những người hiếm hoi còn sót lại trong làng đồng Ngũ Xã vẫn theo đuổi, tiếp nối nghề đúc đồng truyền thống của cha ông.
 
Nén tiếng thở dài, ông Ứng chậm rãi nói: Cũng khó trách được, bởi làm nghề này vất vả quá. Để hoàn thành một sản phẩm như ý, phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công đoạn, từ đắp khuôn đất cho tới công đoạn nung, làm màu,... Tất cả đều đòi hỏi sự tập trung cao độ, chỉ cần một chút sơ ý, toàn bộ sản phẩm sẽ phải bỏ đi và làm lại từ đầu.
 
Kỳ công là vậy nên các sản phẩm của ông chỉ làm theo các đơn đặt hàng chứ không phải đem ra chợ bán.
 
Bản thân ông với mong muốn lưu giữ nghề đúc đồng của cha ông cũng phải trải qua bao nhiêu thử thách, khó khăn vất vả. Đất nước trải qua chiến tranh cùng biết bao thăng trầm, đổi thay của lịch sử, đúc đồng không được ưa chuộng, nhu cầu của cuộc sống buộc nhiều gia đình đúc đồng đã chuyển sang đúc nhôm (chủ yếu là đồ gia dụng), bản thân ông Ứng cũng đã có lúc phải “lấy nghề nhôm nuôi nghề đồng” nhưng trong lòng vẫn luôn nung nấu niềm hy vọng một ngày khôi phục lại nghề đúc đồng của tổ tiên.
 
Khi ông nói ra mong muốn của mình, nhiều người còn chê cười ông, thậm chí cho ông là bị “thần kinh” vì theo họ “có ai mua đâu mà làm”. Xưởng của ông khi mới thành lập, cũng chỉ có mấy cha con với nhau, việc buôn bán cũng hết sức khó khăn.
 
Gian nan nhiều khi cũng khiến ông nản lòng. Nhưng dù cho có bao nhiêu cản trở, ông cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ cái nghề truyền thống này. Đối với ông, đúc đồng là nghệ thuật thực sự - nghệ thuật của sự trường tồn vĩnh cửu.
 
Chính vì vậy, mỗi khi làm một tác phẩm, ông luôn chú trọng vào chất lượng của sản phẩm, “Phải dồn tâm huyết vào từng công đoạn thì tác phẩm mới đẹp, mới có hồn được. Nếu cho rằng công việc này qua dễ, mình làm nhiều rồi và coi thường nó thì không thể cho ra một sản phẩm như ý được”, ông nói.
 
Đó là bí quyết mà ông luôn tâm niệm trong đầu và truyền dạy lại cho con cháu, chính điều này đã giúp ông và những người làm việc trong xưởng đúc đồng cho ra đời những tác phẩm để đời. Điển hình trong số đó phải kể đến pho tượng Bác Hồ và quả chuông nặng 5 tấn, cao 3,6 m treo tại Tháp chuông Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - tỉnh Hà Tĩnh.
 
Bao trăn trở còn đó
 
Gắn bó với nghề hơn 30 năm, khó khăn nay đã tạm lui vào quá khứ, người nghệ nhân giờ có thể cảm thấy tự hào vì những tác phẩm để đời của mình. Nhưng ông vẫn luôn trăn trở, bởi cái nghề đúc đồng này vẫn chưa ổn định.
 
Tâm nguyện của ông là muốn mở một trường dạy nghề để khôi phục nghề truyền thống của cha ông.
 
Mong ước lớn nhất hiện nay của ông là có thể tiếp tục duy trì nghề đúc đồng truyền thống. May mắn là cả hai người con và một người con nuôi của ông đều rất nhiệt huyết và say mê với nghề. Chính quyền cũng đã có sự quan tâm giúp đỡ ông. Tiến tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã cấp cho gia đình ông 82,4m2 đất để xây dựng phòng trưng bày các sản phẩm làng nghề.
 
Tâm nguyện lớn nhất của ông là có thể mở một trường dạy nghề ngay trong làng Ngũ Xã này, để có thể khôi phục lại nghề đúc đồng truyền thống của cha ông.
 
Nhưng cái nghề này, giờ lớp trẻ không ai muốn theo nữa. “Lớp trẻ giờ chỉ mong làm gì mau có tiền, mau giàu. Mà nghề này không thế được, nó đòi hỏi tính kiên trì và lòng đam mê nhiệt huyết, bởi chỉ cần mắc một sai sót nhỏ trong khi chế tác, toàn bộ quá trình có thể phải bỏ đi hết và làm lại từ đầu, có khi mấy tháng không có một đồng công nào, vì vậy cả xưởng của ông cũng chỉ có khoảng 30 người”, ông buồn rầu nói.
 
Lá đơn ông viết gửi lên xin mở trường dạy nghề, vẫn chưa nhận được phản hồi. Bên kia hồ, tiếng chuông chùa Thần Quang vang lên trong gió, không biết còn mấy người nhớ đến làng nghề đúc đồng Ngũ Xã này nữa không?
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến