Thứ Tư, 03/02/2010 - 16:22

Nghệ nhân làng nghề đúc đồng Đại Bái ở Hà Nội

55 năm trước, làng gò đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh bị bom đạn giặc san bằng.

Ngày ấy, một số người Đại Bái đã đến Hà Nội lập nghiệp. Hiện nay đã có hơn 1000 người Đại Bái sống trên đất Thủ đô, tập trung ở các phố Hàng Đồng, Khâm Thiên, Trương Định, Bạch Mai. Được sống giữa chốn hào hoa, thanh lịch, nơi nhân tài bốn phương hội tụ là điều kiện  tốt để các nghệ nhân tiếp tục phát triển nghề truyền thống đúc đồng Đại Bái.

Từ năm 1986 đến nay, tại các hội chợ và triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, người ta thấy xuất hiện nhiều sản phẩm của người Đại Bái. 10 thợ giỏi đã được  tặng danh hiệu Bàn tay vàng. Vào các năm 1971, 1980, 1986, 1988 và 2003, UBND thành phố tiến hành 5 đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội cho 50 người  thì riêng người Đại Bái ở Hà Nội đã chiếm 6. Sản phẩm của họ  có mặt ở các công sở, tư gia đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Thủ đô.

Ông Nguyễn Tấn Thiệu ở 14 Đê Tô Hoàng, năm nay 71 tuổi, được học nghề từ bé, trưởng thành trên đất Hà Nội và trở thành thợ giỏi. Năm 1989, ông làm bức cuốn thư bằng đồng cỡ 9m x 0,9m, gắn chữ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sản phẩm này được làm trong 3 tháng, đạt độ chính xác cao. Hiện bức cuốn thư được đặt ở cửa chính Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Thiệu còn gò vành đèn bằng đồng, đường kính 2,5m,  treo ở phòng khách Phủ chủ tịch.

Sau gần 50 năm vắng bóng, tại một hội chợ vào năm 1996 người Hà Nội lại thấy lọ hoa bằng đồng khảm ghép tam khí. Ông Vũ Viết Phi ở ngõ Thanh Miến, phố Nguyễn Thái Học là người đầu tiên khôi phục nghệ thuật tinh xảo này. Ông Phi còn khảm tam khí (gồm đồng đỏ, bạc, vàng) lên tượng Phật, lư hương, lọ hoa (có cái cao 1,8m). Các sản phẩm này được khảm tứ quý, tứ linh, một số tích trong truyện Kiều, Nhị Độ Mai. Tháng 6-2000, ông nhận chế tác lư hương để người làng đúc đồng Đại Bái dâng lên ban thờ ở quê Bác. Lư hương cao  40cm, miệng rộng 40cm nặng 25kg. Các hình hoạ khảm bằng vàng, bạc chạy chung quanh thân tạo thành một bức tranh đẹp, phần đế tạo rồng hoá, giữa thân là chữ thọ bằng vàng, quanh chữ thọ là 15 cánh sen...

Tiếp thu một cách sáng tạo nghệ thuật này, ông Nguyễn Ngọc Trọng ở 50 ngõ Tiến Bộ, phố Khâm Thiên đã tạo ra nhiều sản phẩm bày tại hội chợ ở ấn Độ và Thái Lan. Cùng với ghép vàng, bạc, đồng lên các chất liệu, ông Trọng còn ghép tam khí lên chân đèn, các nhạc cụ bằng tre, trúc.

Dẫu đã ở tuổi 78 nhưng ông Nguyễn Đức Chỉnh ở ngõ Mai Hương, phố Bạch Mai vẫn chăm chút với nghề. Tinh thông chữ nghĩa, lại viết chữ Hán đẹp, ông Chỉnh kết hợp hài hoà giữa gò liền, chạm với chữ Hán, chữ Nôm. Tráp chạm bạc, quanh thân chạm nhị thập bát tú, hộp trang sức hình lục lăng chạm nổi 6 cảnh trong cuộc đời Thuý Kiều - những tác phẩm giàu chất thơ, gắn kết tài tình giữa hội hoạ và thư pháp. Vừa qua, tại triển lãm Mỹ thuật ứng  dụng toàn quốc năm 2004, bộ ấm cà phê chạm bạc của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng  được trao giải nhì, tác phẩm Mặt trống đồng Ngọc Lũ của nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm được trao giải ba.

Những năm qua, nghệ nhân đúc đồng Đại Bái ở Hà Nội có nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển các làng nghề truyền thống. Tháng 4-1997, tại thành phố Koblez (CHLB Đức) diễn ra hội thảo quốc tế về nghề cổ truyền với 20 nước tham dự, chỉ trong một ngày, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm đã vẽ mẫu và thể hiện Chùa Một Cột  trên đĩa bạc trước sự khâm phục của bạn bè. Cuối tháng 12-2000 tại trường đại học Xanh Lo-ren (Hoa Kỳ), ông Lâm đã giới thiệu tiềm năng nghề truyền thống và một số làng nghề tiêu biểu của Việt Nam. Hàng năm, các nước ASEAN luân phiên tổ chức giao lưu nhân dân gặp mặt nghệ nhân làng nghề. Năm 2002 ông Nguyễn Ngọc Trọng đến Thái Lan, năm 2003 ông Nguyễn Viết Lâm đến Ma-lai-xi-a, cả hai đều là nghệ nhân làng Đại Bái ở Hà Nội. Năm 2004 cả hai nghệ nhân lại đại diện cho Việt Nam trong cuộc giao lưu nhân dân tổ chức tại Hà Nội.

Nghệ nhân các nước trong khu vực vô cùng ngạc nhiên trước sự phát triển của làng nghề truyền thống Việt Nam, trong đó có làng Đại Bái, cả sự tác động qua lại trong sự truyền nghề giữa những thợ giỏi ở chính quán và nghệ nhân sống ở Hà Nội. Năm 1999, với những đóng góp đặc biệt cho sự bảo tồn và phát triển nghề cổ truyền, các nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh, Nguyễn Viết  Lâm đã được Chương trình nghệ thuật Đông Dương, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tặng giải thưởng Bàn tay vàng.

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến