Thứ Tư, 03/02/2010 - 16:22

Phát triển làng nghề đúc đồng Đại Bái ở Gia Bình

Ðược tách ra từ huyện Gia Lương cũ đến nay, sau mười năm tái lập, Gia Bình (Bắc Ninh) giờ như khoác trên mình bộ cánh mới.

Dưới sự lãnh đạo tập trung của các cấp ủy đảng, chính quyền, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Ðó là nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Từ thành phố Bắc Ninh xuôi theo quốc lộ 38, chúng tôi về huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ðiều dễ nhận thấy là sau khi tái lập, trung tâm huyện Gia Bình được quy hoạch mới, các tuyến đường được trải nhựa, nâng cấp, trụ sở làm việc của các ban, ngành, khu dân cư, chợ... đều khang trang, sạch đẹp. Ðể có được diện mạo như hôm nay, Ðảng bộ và nhân dân Gia Bình đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

 Là một huyện thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, thu nhập từ nông nghiệp vẫn là chủ yếu, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm. Làm thế nào để  nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, thoát nghèo? Ðây là một câu hỏi mà lãnh đạo huyện luôn trăn trở. Nghị quyết đại hội Ðảng bộ huyện Gia Bình lần thứ 19, nhiệm kỳ 2006 - 2010, xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khai thác tiềm năng đất đai, lao động hiện có, để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như: vùng lúa, vùng rau, vùng nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả, cây xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2010 tổng diện tích gieo trồng đạt từ 12.500 đến 13.000 ha. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp Ðại Bái, Nhân Thắng, Xuân Lai. Phát huy thế mạnh, sản xuất các mặt hàng truyền thống như: đúc đồng, nhôm, mây tre đan, thêu ren, chế biến nông sản thực phẩm... Ðến nay, sau mười năm tái lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Gia Bình đã vượt chỉ tiêu đại hội đề ra. Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản bình quân chiếm 42,98%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 29,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 27,96%. Tổng giá trị GDP năm 2007 đạt 495,57 tỷ đồng, tăng 40,04 tỷ đồng so với năm 2006; GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 4,7 triệu đồng/người, bằng 111,6% so với chỉ tiêu đại hội đề ra. Giá trị GDP sáu tháng đầu năm 2008 đạt 277,6 tỷ đồng, tăng 29,82 tỷ đồng so với cùng kỳ. Mục tiêu đến 2010, phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP đạt từ 11,5% đến 12%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,51 triệu đồng/người/năm.

Tìm hiểu các mô hình kinh tế mới ở Gia Bình, chúng tôi được Phó Phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Trí Dũng đưa đi tham quan một số vùng chuyên canh tập trung, vùng chuyển dịch nuôi trồng thủy sản, cụm công nghiệp đúc đồng Ðại Bái. Ðến thăm trang trại của anh Nguyễn Xuân Thu ở thôn Ðổng Lâm, xã Quỳnh Phú. Anh cho biết, trang trại có diện tích 3 ha, trong đó 2 ha nuôi cá chim và rô phi đơn tính, trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Diện tích còn lại anh trồng cây ăn quả ngắn ngày, mỗi vụ cũng thu về hàng chục triệu đồng. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh dành 2.000 m2 xây chuồng nuôi lợn nái ngoại sinh sản với quy mô hiện đại. Hiện tại trong chuồng đã có 120 con lợn nái. Theo cán bộ phòng nông nghiệp  thì đây là một mô hình kinh tế trang trại điển hình trong huyện mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng ở nhiều hộ gia đình. Tại làng Ðại Bái nơi có nghề đúc đồng truyền thống, gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, người được phong tặng danh hiệu "Bàn tay vàng", ông bộc bạch: "Mặc dù kinh tế có suy giảm nhưng làng nghề chúng tôi vẫn làm không hết việc. Ngoài các sản phẩm đúc đồng truyền thống như: tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa, tranh, câu đối... chúng tôi còn gia công chi tiết các sản phẩm  như cầu dao, ổ cắm điện cho các nhà máy ngành điện. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng, thợ kỹ thuật từ 1,8 đến 2,4 triệu đồng/ tháng. Một số gia đình ở Ðại Bái đã mạnh dạn sang Lào và Cam-pu-chia đầu tư mở xưởng sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay với chúng tôi là công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về làng nghề truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng còn rất ít. Vì vậy, sản phẩm vẫn chưa được các thị trường tiềm năng biết đến. Rồi nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng hạn chế, đây cũng là những khó khăn trong việc phát triển mở rộng sản xuất...".

CÙNG với việc chú trọng phát triển kinh tế, Gia Bình đặc biệt quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ðã huy động có hiệu quả các nguồn vốn, đầu tư xây dựng cơ bản 95 công trình với tổng số vốn 157.971 triệu đồng.  Trong đó xây dựng trụ sở, nhà văn hóa thôn; trường học; chợ; đường giao thông nông thôn; dự án đường nội thị 4, 5, trạm y tế; hệ thống chiếu sáng đô thị; nhà văn hóa huyện... Các công trình xây dựng hoàn thành đi vào sử dụng đã góp phần chỉnh trang đô thị, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nghị quyết Ðảng bộ huyện xác định đến năm 2020 Gia Bình vẫn là huyện chuyên canh, đa canh về nông nghiệp, có xu thế và lợi thế về phát triển dịch vụ nhưng quy mô không lớn. Do vậy, lao động vẫn tập trung cho phát triển nông nghiệp là chủ yếu. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp vốn có nhằm sử dụng  lao động, đất đai, thế mạnh của các thành phần kinh tế, tạo sự phát triển bền vững về kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến