Khởi nghiệp bằng “đúc mâm đồng”
Sinh ra không ở làng nghề, không sống trong làng nghề nhưng nghệ nhân Lê Văn Khang nhờ theo học Trường Trung học Cơ điện Hà Nội - nơi đào tạo ra những người đúc và luyện kim chuyên nghiệp nên ông có lợi thế hơn hẳn so với người khác khi quay sang nghề “thúc đồng” (một dạng của đúc đồng nhưng là dùng chạm và búa “thúc” lên đồng để tạo ra sản phẩm).
Nghệ nhân Lê Văn Khang bên cạnh những sản phẩm đồng về các danh lam thắng cảnh Hà Nội.
Những sản phẩm đầu tiên ông “thúc” là những chiếc mâm đồng cũ. Ông bảo: “Một miếng giữa làng không bằng một sàng xó bếp. Xưa kia, đi đến làng quê nào, vào nhà ai mà được chủ nhà bê mâm đồng ra mời ăn, thấy mình được trân trọng lắm, chủ nhà cũng lấy đó làm nở mày, nở mặt lắm. Đặc biệt đám cưới, đám rước nào mà dùng mâm đồng để đội đồ, dâng lễ thì trang trọng vô cùng. Giờ, ngươi ta không dùng mâm đồng nữa nên thành thử một thói quen, một nét đẹp truyền thống gắn với đời sống người dân vì thế cũng không còn, vì mâm đồng không được chuộng nhiều bằng mâm nhôm, mâm gỗ nữa. Sở dĩ có sự đổi ngôi này là vì những chiếc mâm đồng từ thời phong kiến thường là mâm tam khí (đồng đen, vàng, bạc) rất nặng, khi bị ô-xy hóa thì xấu, thậm chí gây độc hại nên người ta ít dùng dần, giữ trong nhà thì chật chỗ nên nhiều người vứt bỏ hoặc bán cho hàng đồng nát. Thấy vậy lãng phí quá, tôi bỏ tiền ra mua về “thúc” thành những tác phẩm nghệ thuật như bộ tứ quý Tùng, Cúc, Trúc, Mai, tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng hay Ngư tiều canh mục, mặt trống đồng với những họa tiết hoa văn rất đẹp... Đồng thời qua đó, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều làng quê”.
Không chỉ “thúc” những chiếc mâm đồng cũ, nghệ nhân Lê Văn Khang còn đúc hàng loạt chân dung các danh nhân, danh y, danh tướng, tượng của các bậc tiền nhân từng gắn liền với văn hóa Thăng Long hoặc những sự kiện tiêu biểu của lịch sử như: Lý Công Uẩn, Lê Lợi, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phan Bội Châu... cho đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Ông cũng chính là người được cử làm bức tượng bán thân Bác Hồ cao 1,6m đặt trong Văn phòng Chính phủ. Bức tượng Bác với chủ đề Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước nặng 2,5 tấn được trưng bày ở Bảo tàng Phú Thọ, là chủ nhân của 20 pho tượng nhân vật nổi tiếng khác nhau ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng đúc tượng Phật Adiđà phát quang 7 màu tự nhiên đặt ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, tượng Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt đoạt giải thưởng Tinh hoa Việt Nam của Bộ VH,TT&DL. Đặc biệt, ông chính là tác giả của chiếc trống đồng Ngọc Lũ hiện nay đang lưu giữ tại đình làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Sở dĩ ông có được vinh dự này là vì vào thời Pháp thuộc, sau khi trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện đã bị công sứ Hà Nam sức về cho lý dịch làng Ngọc Lũ mang trống và nắp thạp lên góp vào đấu xảo Hà Nội ngày 15 tháng 11 năm 1902, sau đó bị mua với giá 550 đồng, người dân làng Ngọc Lũ từ đó mất luôn linh khí nên vô cùng tiếc nuối... Sau này, biết được tài danh của nghệ nhân Lê Văn Khang, chính quyền địa phương đã cho người liên hệ, mời ông “làm lại” một trống đồng Ngọc Lũ, làm lễ cung nghênh trống về đình cũ để cho nhân dân chiêm ngưỡng, tìm lại ý niệm về một linh khí xưa kia từng được chôn cất ở đất làng.
Ông cũng từng gây sửng sốt cho mọi người trong Triển lãm Doanh nhân Doanh nghiệp ở Hà Nội với bức tượng Bạch Thái Bưởi, vì bức tượng được người nhà cụ Bạch khen là có hồn nhất, giống cụ nhất. Khi làm bức tượng này, nghệ nhân Lê Văn Khang rất lo lắng vì trong tay chỉ có duy nhất một tấm ảnh của cố doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ông đã phải thân chinh dò hỏi, thu thập tư liệu về Bạch Thái Bưởi từ nhiều nguồn khác nhau để tìm ra “thần thái” nhân vật rồi mới thổi hồn cho tượng qua những công đoạn phức tạp khác.
“Đồng hóa” danh lam thắng cảnh Hà Nội
Hiện nay, nghệ nhân Lê Văn Khang đang khẩn trương cho ra lò hàng loạt sản phẩm về các danh lam, thắng cảnh của Hà Nội như Tháp Rùa, Cột cờ Hà Nội, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, rùa ngậm gươm báu, rùa đội văn bia... Ông Khang cho biết, sở dĩ ông làm loạt sản phẩm này là vì danh lam thắng cảnh thể hiện tinh hoa văn hóa Hà Nội rất nhiều nhưng vì chưa thấy ai khai thác nên ông quyết định “đúc” tất cả những danh lam, thắng cảnh ấy thành những sản phẩm làm quà lưu niệm cho du khách thập phương nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Điều đáng chú ý là tất cả các sản phẩm ông làm lần này đều rất nhỏ. Ông giải thích rằng: “Du khách đến Hà Nội để đi du lịch chứ không phải đi để bỏ tiền ra rồi “vác” tượng về, nhất là khách du lịch nước ngoài. Họ sẽ khá bất tiện và tốn cước vận chuyển nếu như mua bức tượng quá lớn. Tôi thu bé các sản phẩm lại nhằm để du khách thuận tiện hơn trong lựa chọn của mình. Thu nhỏ lại, một người có thể mua hàng chục sản phẩm khác nhau, mang về gọn nhẹ, tặng cho bạn bè và tự hào là mình đã được dự 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
Trước câu hỏi giữa chốn kinh kỳ này chỉ còn sót lại rất ít người, trong đó có ông còn làm nghề đồng, giọng nghệ nhân Lê Văn Khang trầm xuống: Nghề đồng hiện nay mai một cũng không có gì là khó hiểu. Thứ nhất, giá đồng “leo theo giá vàng”. Chúng tôi làm là làm, chau chuốt, tỉa tót từng sản phẩm theo thủ công truyền thống, nhưng sang xã hội là bán sản phẩm nên đồng lương không được cao. Khi thu nhập không ổn, bản thân những người trong gia đình như con cái, cháu chắt thấy vậy cũng “nản” thì cũng không dám giữ lửa, học nghề làm gì. Lý do nữa khiến nghề đồng dần vắng bóng nghệ nhân ở đất Hà Nội là vì sự tràn lan của các đồ ngoại nhập, làm giả đồng giá rẻ được bày bán tràn lan trên thị trường.
Bình thường, “thúc đồng” là dùng chạm và búa “thúc” lên đồng để tạo ra những sản phẩm theo ý tưởng của cá nhân người nghệ sĩ. Nhưng với nghệ nhân Lê Văn Khang, ông không chỉ sử dụng phương pháp đúc đồng truyền thống mà còn kết hợp đúc đồng với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như thúc đồng truyền thống với công nghiệp hiện đại, đúc đồng kết hợp với điêu khắc, hội họa... Những loại hình ấy khi được kết hợp hài hòa với nhau sẽ làm thăng hoa nhau, làm thăng hoa cả tình yêu, niềm đam mê, sáng tạo không ngừng để đạt đến một quy chuẩn trong từng tác phẩm, thông qua đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân đã bắt đầu bước sang tuổi xưa nay hiếm này.
Ông Lê Văn Khang được UBND TP Hà Nội phong tặng Nghệ nhân năm 2003.