Thứ Tư, 03/02/2010 - 16:22

"Lục đồng" làng đúc đồng Đại Bái

“Lục đồng” là tên gọi ví von của người dân làng đúc đồng Đại Bái (Gia Bình - Bắc Ninh) dành cho nghệ nhân Nguyễn Văn Lục.

Nhắc tới anh, các “bô lão” của làng ai cũng tỏ ý hài lòng. Dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt nhiều ưu tư, người đàn ông ngoài 40 tuổi này được dân làng biết tới và nể phục bởi tài nghệ chạm khắc đồng tinh xảo.

Sống lại một làng nghề

Chiều dần xuống, những âm thanh của làng nghề chạm khắc đồng càng vang vọng hơn. Trong ngôi nhà cổ của anh Lục, tiếng gõ cành cạch của những người thợ vẫn chưa ngớt...!

Rít điếu thuốc lào thật sâu, anh nhả khói nghi ngút rồi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chìm nổi của làng nghề: “Đại Bái vốn nổi tiếng với nghề gò, đúc đồng. Qua thời gian, nơi đây sinh ra nhiều nghệ nhân chạm khắc đồng nổi tiếng. Sau những năm chiến tranh, làng nghề bị thất truyền, số nghệ nhân cũng vì đó mà “ít dần”.

Giữa những năm 1990, làng nghề được khôi phục. “Đại công trường” xưa với âm thanh rộn ràng của đe, búa cùng không khí nhộn nhịp kẻ mua, người bán dần trở lại sau nhiều năm vắng bóng. Giờ đây, đi dọc con đường lớn chạy qua Đại Bái, ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bày bán sản phẩm được chế tác bằng đồng. Từ lư hương, đỉnh đồng đến đôi hạc, bức tranh, câu đối... đều được chạm khắc tinh xảo. Bước vào xứ sở của đồng, tôi mới thấy hết kỹ nghệ chạm khắc qua bàn tay của những con người đang làm việc miệt mài, cần mẫn, tạo nên các sản phẩm tinh xảo. Nghề chạm khắc cũng tạo nên sự hưng thịnh cho làng quê vùng Kinh Bắc.

Vẫn được dân làng gọi bằng cái tên “Lục đồng” bởi dù là lớp hậu sinh nhưng kinh nghiệm và kỹ thuật chạm khắc của anh Lục không hề thua kém các bậc “tiền bối”. Sản phẩm do anh chế tác được các “bô lão” đánh giá cao. “Tôi chẳng nhớ mình đã làm bao nhiêu sản phẩm, chỉ biết khi lên 10 tôi đã được cha truyền cho nghề này”, anh Lục hồi tưởng.

Được cha truyền nghề từ khi đầu còn để chỏm, Lục lớn lên cùng niềm đam mê với chất liệu đồng. Sản phẩm đầu tay của Lục khi đó chỉ là cái mâm, chiếc xoong,... với nét chạm to và thô. Sau thời gian dài miệt mài, kỹ thuật điêu luyện hơn, anh bắt đầu chạm khắc đồ trang sức. Khi làng nghề còn chìm trong “giấc ngủ dài”, anh vẫn say sưa theo đuổi. Anh tâm sự: “Ngoài những lúc cha dạy, tôi còn sang hàng xóm học lỏm cách chạm khắc. Chưa thoả, có lần tôi theo người quen đến tận làng chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương -Thái Bình) học việc”. Chịu khó “mài sắt”, tay nghề của Lục dần điêu luyện hơn.

Tiên phong trong những năm đầu khôi phục làng nghề, anh tập trung làm tranh chữ, đồ khảm. Khi đó, thợ có tay nghề trong làng rất hiếm, có người đã mất, có người mang bí quyết của mình “đi đánh” nơi khác. Là nghệ nhân trẻ, anh luôn trăn trở tìm cách khôi phục làng nghề của tổ tiên. Dù được đánh giá là có tay nghề cao nhưng bản thân anh vẫn chưa mãn nguyện, anh tìm đến cụ Nguyễn Đức Chỉnh, nghệ nhân thâm niên nhất làng để tu bổ vào “kho tàng” kỹ nghệ của mình. “Tay nghề của anh Lục rất cao. Sản phẩm anh chế tác là sự kết hợp giữa truyền thống và một số kỹ thuật hiện đại”, cụ Chỉnh đánh giá. Học được bí quyết “độc” của cụ Chỉnh cộng thêm những năm tháng gian nan bám nghề, anh Lục đã cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp và tinh tế. Tiếng lành đồn xa, năm 1997, sản phẩm của anh được Cộng đồng Pháp ngữ mời tham dự triển lãm.

Kỹ nghệ tinh xảo

Theo anh Lục, để có được sản phẩm hoàn hảo phải trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu là dây đồng, xoong, chậu hỏng... được nấu rồi pha chế. Tiếp đó, đồng được đúc ra mê rồi đem cán, gò ghép thành các chủng loại khác nhau. Cuối cùng là công đoạn chạm các hoạ tiết, tạo tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Người chạm khắc thường tạo các hoạ tiết theo bản vẽ, phân màu theo những sản phẩm phù hợp.

Nhưng sản phẩm đẹp, tinh xảo hay không còn tuỳ thuộc vào tay nghề của mỗi người. Kỹ thuật khảm với nhiều loại màu sắc như nhị sắc, tam sắc, ngũ sắc tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm của anh với các nghệ nhân làng khác. Cách pha màu cũng đòi hỏi kỹ thuật cao với công thức riêng. Theo anh Lục, để tạo được đồng đen cần pha vàng, bạc, đồng với tỷ lệ thích hợp, tạo đồng xanh cần pha vàng, bạc, đồng thau và niken... Rồi từ những nguyên liệu đó có thể chạm khắc, khảm thành các sản phẩm khác nhau như bức tứ bình, tứ quý, chữ thư pháp hay lư đồng, đỉnh đồng.

Để hoàn thành một sản phẩm mất rất nhiều thời gian, nếu có độ tinh xảo cao phải mất 10 -12 tháng, còn sản phẩm bình thường mất 1 - 2 tháng. Vì vậy, có sản phẩm giá rất cao, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tuỳ loại. Anh Lục cho biết: “Người làm nghề này ngoài kỹ thuật chạm khắc còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Mỗi đường chạm phải đạt độ chuẩn xác tuyệt đối, nếu không sản phẩm sẽ bị hỏng”.

Với mong muốn truyền lại “món nghề” cho lớp trẻ, mấy năm nay anh Lục đầu tư tiền của gây dựng cơ sở chạm khắc đồng. Sản phẩm làm ra được xuất đi các địa phương, có khi khách hàng về tận nơi đặt hàng. Hiện, cơ sở luôn duy trì hơn chục lao động, có người là con cháu họ hàng, có người ở tận Thái Bình, Nam Định... với mức lương 1-3 triệu đồng/người/tháng. Vừa say mê làm, anh vừa chỉ bảo tận tình cho các thợ trẻ bí quyết của mình. Nơi đây, những tay búa, tay đục còn nhỏ tuổi, ngoài giờ học trên lớp, các em đều miệt mài theo nghề. Vậy là, nghiệp làng theo thời gian vẫn được “cha truyền, con nối” qua nhiều thế hệ.

Với những sản phẩm có độ tinh xảo cao, anh Lục thường xuyên được mời tham dự các buổi triển lãm và được trao tặng nhiều bằng khen. Năm 2001, tại Hội chợ quốc tế Hợp tác xã doanh nghiệp vừa và nhỏ, anh vinh dự được nhận danh hiệu nghệ nhân “Bàn tay vàng”. Qua những lần tham dự triển lãm, sản phẩm của anh thu hút rất nhiều du khách tham quan, anh càng tự hào bởi mình đã sinh ra từ làng đúc đồng Đại Bái và được “đắm mình” trong dòng chảy của nghệ thuật chạm khắc đồng.

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến