Thứ Tư, 03/02/2010 - 16:22

Làng nghề Đại Bái sau suy giảm kinh tế

Những ngày này, ở Đại Bái (Gia Bình) của các cơ sở đúc đồng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Dù chưa được như thời kỳ hoàng kim song tiếng đục, tiếng chạm lại vang lên góp phần làm giàu cho vùng quê truyền thống.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Đại Bái có 31 doanh nghiệp và gần 500 hộ gia đình làm nghề đúc đồng và sản xuất các mặt hàng từ đồng, nhôm truyền thống. Trước khó khăn chung do suy giảm kinh tế, các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồng nhôm ở Đại Bái đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghề truyền thống. Đó là việc liên doanh, liên kết cùng nhau thực hiện những đơn hàng lớn, cùng nhau quảng bá sản phẩm, hỗ trợ vốn giúp nhau sản xuất… Nhờ đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2009 của xã về tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 35 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch cả năm. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã, trước những khó khăn chung UBND xã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các hộ làm nghề truyền thống, đầu tư vốn tự có kết hợp vay vốn ngân hàng trang bị thêm máy móc, thu mua nguyên liệu mở rộng sản xuất. Từ đầu năm đến nay, tại cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái có 15 hộ và 3 công ty đang xây dựng nhà xưởng chuẩn bị đi vào sản xuất nâng tổng số hộ hoạt động ở đây lên 60 hộ, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt 54%.

Tại cơ sở sản xuất Điệp Nhung, hơn 10 công nhân đang miệt mài với những đơn hàng mới. Anh Nguyễn Văn Điệp, chủ doanh nghiệp cho biết hơn một năm nay, làng nghề gặp khó khăn về đầu ra, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, chất đầy kho. Vì thế các hộ sản xuất chỉ dám nhận những đơn hàng nhỏ và chuyển sang làm hàng công nghiệp chứ không làm hàng chạm khảm cầu kỳ nữa. Đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu gần như không có. Chỉ riêng doanh nghiệp Điệp Nhung nếu 6 tháng đầu năm 2008 giá trị xuất khẩu đạt gần 1 tỷ đồng thì nửa cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 hàng hóa chỉ tiêu thụ nội địa. Anh Điệp ước tính từ đầu năm đến nay giá trị sản xuất của doanh nghiệp đạt gần 700 triệu đồng. Mức sản xuất này dù chưa bằng được thời kỳ đầu năm 2008 song cũng là bước tiến lớn so với nửa cuối năm 2008. Theo anh Điệp, để đạt được những kết quả này, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng còn phải quảng bá sản phẩm rộng rãi thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm. Đơn cử như đợt tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp Điệp Nhung đầu tư hàng chục triệu đồng cùng với sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tham dự Hội chợ làng nghề được tổ chức tại Huế. Tại hội chợ này những sản phẩm tinh xảo của doanh nghiệp được đánh giá cao. Đặc biệt, từ kinh nghiệm thu được sau khi tham gia hội chợ, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng riêng một trang web nhằm quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của hầu hết những người sản xuất, kinh doanh ở Đại Bái là thiếu vốn sản xuất. Theo thống kê, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn xã đạt hơn 100 tỷ đồng. Như vậy với hơn 500 hộ sản xuất cá thể và doanh nghiệp trong xã bình quân mỗi hộ mới chỉ được vay 200 triệu đồng. Con số này là quá thấp so với nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh. Vấn đề thiếu nhân công, nhất là nhân công tay nghề cao cũng đang được quan tâm. Nghệ nhân có tiếng của làng Nguyễn Văn Lục, khẳng định: Phải mất  ít nhất 3- 4 năm mới đào tạo được một thợ chạm làm được việc, đào tạo một thợ lành nghề còn lâu hơn đào tạo một kỹ sư, phải mất hàng chục năm. Song điều đáng đề cập là giá nhân công cho những lao động phổ thông và cả những thợ mới vào nghề khá thấp chỉ khoảng 60.000- 80.000 đồng một ngày công. Số tiền công này còn ít hơn một người thợ hồ nên việc thu hút lao động làm nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn. Rồi việc tiếp tục mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Dù đã bước đầu vượt qua những khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất song hiện tại làng nghề Đại Bái vẫn còn không ít những khó khăn. Việc khắc phục những vần đề đặt ra không chỉ riêng địa phương và người dân mà rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Theo BBN

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến